Lượt xem: 192
Long Phú sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết 07 – NQ/TU của Tỉnh ủy Sóc Trăng
25/12/2023
Ngày 20/12, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Long Phú, tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 07 – NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XIV về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tham dự Hội nghị có ông Dương Chí Nguyện, Trưởng Phòng Chuyển đổi số Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Phú, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện và các thành viên trong Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số từ huyện đến các xã, thị trấn, cùng các nhà mạng đang hoạt động trên địa bàn huyện
Chú thích ảnh: Quang cảnh Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết 07 – NQ/TU về chuyển đổi số.
Trong 02 năm qua, căn cứ tình hình và điều hiện thực tế của địa phương, Huyện ủy Long Phú ban hành Chương trình số 12 – CTr/HU, ngày 07/01/2021, về thực hiện Nghị quyết số 07 – NQ/TU của Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ. Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện, thường xuyên kiện toàn, củng cố 35 thành viên, thành lập Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo với 16 thành viên; đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập 61 Tổ Công nghệ số cộng đồng ấp, với 427 thành viên và 307 nhóm Zalo tại các khu dân cư, với 4.664 thành viên, để thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin từ huyện đến cơ sở. Tổ chức 908 cuộc tuyên truyền, có gần 54.000 lượt người tham dự, tuyên truyền thông qua lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt hội, nhóm; xây dựng chuyên mục đăng tin, bài chuyển đổi số. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của huyện theo hướng toàn diện, lâu dài, tập trung phát triển và hoàn thiện nền tảng số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Hạ tầng cáp quang, dịch vụ mạng di động 4G; 5G đến hộ gia đình đạt 100%. Số người có tài khoản thanh toán điện tử chiếm tỷ lệ khoảng 50% trên tổng số dân. Huyện ra mắt thí điểm 02 mô hình “Đoạn đường thanh toán không dùng tiền mặt” và mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt” tại Trung tâm chợ thị trấn Long Phú và thị trấn Đại Ngãi. Tính đến tháng 11/2023, huyện đã thực hiện 98% hồ sơ công việc tại cấp huyện, đạt 122,5% chỉ tiêu đề ra và 76,28% đối với cấp xã được xử lý trên môi trường mạng đạt 127,13% chỉ tiêu đề ra. 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của huyện và tỉnh; 100% dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn huyện, đồng thời được thu thập, tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và các hệ thống thông tin của cơ quan. Huyện vận động các doanh nghiệp và người dân tích cực hưởng ứng chuyển đổi số tại địa phương, chuyển đổi dần từ cách làm truyền thống sang cách làm trên môi trường số, như thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ thiết yếu như tiền điện, nước, các dịch vụ Viễn thông, các cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa phương có mã QR cho khách hàng thanh toán; đồng thời còn hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhất là hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Hội nghị đã bàn bạc, thống nhất đưa ra 06 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và người dân về vai trò quan trọng trong chuyển đổi số; thường xuyên kiểm tra, giám sát; ứng dụng đa dạng các kênh truyền thông, nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình của Huyện ủy, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ về kinh tế số; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp; phổ cập kỹ thuật số cộng đồng đến các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân. Qua đó, xây dựng nội dung, tài liệu hướng dẫn về kỹ năng số cho người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân dễ hiệu, dễ tiếp cận.
Thực hiện: Sóc Ca.